Nguyễn Tiến Cường
Người Việt Nam có lẽ ít ai biết đến Carl Maxie Brashier, người da đen đầu tiên trở thành Người Nhái của hải quân Mỹ vào thập niên 50, thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, sự kỳ thị chủng tộc trắng-đen ở Mỹ còn rất nặng nề dù chế độ nô lệ đã được chính thức hủy bỏ gần một trăm năm trước.
Tôi không dùng chữ thợ lặn để nói về Carl Maxie Brashier – chữ thợ lặn không diễn tả hết nét hào hùng, sự can đảm, ý chí phấn đấu, nghị lực, quyết tâm của Carl Brashier trở thành người nhái đầu tiên của hải quân Mỹ trong không khí kỳ thị nói trên, khi căng thẳng, thù ghét, khinh bỉ không chỉ xẩy ra ở xã hội mà ngay cả trong quân đội. Cuộc đời ông đã được dựng thành phim Men Of Honor, vai chính do 2 tài tử nổi danh Robert DeNiro, Cuba Gooding Jr. đóng.
Carl Maxie Brashier sinh ngày 19.01.1931 tại La Rue County (Kentuckey), từ trần ngày 25.07.2006 ở Portsmouth (Virginia), con một người nông dân. Ngay từ lúc còn niên thiếu, Brashier đã là một đứa trẻ thích và rất giỏi bơi lội, tuy nhiên cha ông phản đối ý định trở thành thủy thủ trong hải quân Mỹ của ông.
Bất chấp sự khuyên răn, ngăn cản của cha, năm 1948, Brashier trở thành thủy thủ sau một khóa huấn luyện của hải quân, phục vụ nấu ăn trên con tàu cấp cứu (Savage Ship) Hoist. Trong một dịp tình cờ, lúc đang phục vụ trên tàu Hoist, Brashier bị kích động dữ dội khi nhìn thấy Leslie William Billy Sunday – một trong những người nhái cố gắng cứu vớt hai phi công của một chiến đấu cơ chìm trên biển. Sự kích động nẩy sinh quyết định trở thành người nhái của Carl Brashier.
Ước muốn của Brashier bị các bạn đồng ngũ, thủy thủ, cấp chỉ huy trên tàu Hoist cười cợt, chế nhạo nhưng Brashier làm lơ, kiên nhẫn suốt hai năm dài, liên tục gửi đơn xin gia nhập lực lượng người nhái cứu cấp. Cuối cùng Brashier được chấp thuận theo học trường dậy cấp cứu dưới lòng biển sâu ở Bayonne – New Jersey với cập bậc thủy thủ hạng hai. Ngày đến trường huấn luyện, Brashier gặp lại Leslie William Sunday, một bậc thầy về lặn (Master Chief Petty Officer), người Brashier cảm phục trước đây trên tàu Hoist, hiện là huấn luyện viên trưởng của trường.
Hải quân Mỹ – quân chủng có truyền thống cực kỳ quan liêu, cộng thêm vấn nạn kỳ thị trắng đen, khiến Brashier phải đứng chờ ngoài cổng ra vào từ sáng tới tối mới được chấp thuận cho vào doanh trại. Với quyết tâm trở thành người nhái cấp cứu, Brashier không đếm xỉa gì đến thái độ thù nghịch, nét mặt khinh bỉ của hầu hết khóa sinh da trắng cùng phòng khi họ lấy quân trang rời bỏ phòng ở tập thể (Barrack)– trừ một người sau trở thành bạn của Brashier là Snowhill.
Brashier đã chứng tỏ khả năng tuyệt vời của một người nhái trong những lần thực tập dưới nước nhưng ông lại thiếu kiến thức về lý thuyết – điều khiến Brashier có thể bị loại khỏi khóa huấn luyện. Tại một thư viện gần doanh trại, trong lúc tìm hiểu, học hỏi thêm lý thuyết về lặn sâu dưới nước, Brashier gặp Jo – một nữ bác sĩ sắp tốt nghiệp, sau trở thành người yêu và vợ ông – giúp đỡ ông vượt qua trở ngại nói trên.
Trong một lần huấn luyện dưới nước, hai người bạn đồng khóa của Brashier đang thực tập hàn kín một lỗ hổng trên một con tàu cũ dùng để thực tập thì con tàu bị trượt, chìm sâu xuống thêm vài mét. Ống dẫn khí thở của một người bị quấn quăn lại đưa đến nguy cơ người này bị nghẹt thở. Brashier là người duy nhất trên bờ được trang bị áo lặn sẵn sàng cấp cứu. Được lệnh của Sunday, Brashier nhẩy xuống nước, tuy khó khăn, nguy hiểm những đã tháo được ống dẫn khí thở bị quấn của người bạn, lắp vào một ống khác, đưa được ngừời này lên bờ trong khi người thứ hai trong cơn hoảng loạn đã tìm cách tự cứu, trồi lên mặt nước bỏ mặc đồng đội.
Hành động bỏ mặc bạn đồng khóa đang huấn luyện của người này thay vì bị khiển trách lại nhận được sự khen thưởng khiến Brashier bất mãn nhưng im lặng, chịu đựng. Tuy nhiên đổi lại, ác cảm, sự khinh ghét của đồng đội da trắng chung khóa đối với Brashier dần dần đã chuyển thành sự quý mến, cảm phục.
Vào một buổi tối cuối tuần tại câu lạc bộ của trung tâm huấn luyện người nhái, Sunday và Brashier đụng độ nhau khi Bashier tình cờ gặp Gwen – vợ Sunday trước cửa câu lạc bộ. Hai người trao đổi vài câu, Gwen cho Brashier biết chồng bà sẽ đánh rớt Brashier khỏi khóa học, sau đó họ cùng đi vào trong. Lời qua, tiếng lại, Sunday thách thức khả năng nín thở dưới nước của Brashier, xem ai chịu đựng được lâu hơn? Nếu Brashier thua, ông phải rời bỏ khóa huấn luyện, Brashier chấp nhận – không để ý thấy Jo cũng đã có mặt tại câu lạc bộ chứng kiến sự thách thức giữa hai người – điều mà Jo không muốn xẩy ra.
Hai bộ nón thở không có ống dẫn khí được đem ra cho Brashier và Sunday. Nước được bơm vào nón thở sau khi chụp lên đầu Brashier, Sunday. Cuộc thách thức kéo dài hơn 4 phút, chấm dứt khi Sunday bỏ cuộc lúc máu mũi bắt đầu trào ra trong nón thở. Gwen Sunday tức giận sự trẻ con của chồng, rời khỏi câu lạc bộ, sau đó Jo cũng ra cửa, gọi taxi bỏ về khiến Brashier vội vã chạy theo – ngỏ lời cầu hôn.
Khó khăn và trở ngại đối với Brashier chưa hết sau lần thách thức đó. Trước ngày thi kết thúc khóa huấn luyện, Mr. Pappy – chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện – một người kỳ thị chủng tộc nặng nề, gọi Sunday vào phòng riêng, ra lệnh cho Sunday đánh rớt Brashier bằng mọi cách, ông nói rõ, không muốn thấy một người da đen trở thành người nhái trong trung tâm huấn luyện Bayonne khi ông còn là chỉ huy trưởng.
Vào ngày thi kết thúc khóa đào tạo, mỗi khóa sinh phải lặn sâu xuống nước, nhận một túi dụng cụ (tool), một ngọn đèn, một số con ốc (nut), vòng đệm chữ O (O-ring) …để lắp ráp lại một cơ phận hình ống đã được tháo rời. Sunday theo lệnh của Pappy, tìm cách đánh rớt Brashier bằng cách trao cho Brashier túi đựng ốc, vòng đệm chữ O (O-ring) đã bị cắt đáy khiến cho ốc, vòng đệm O-ring văng rải rác khắp nơi, chìm vào trong sỏi, đá dưới nước.
Các khóa sinh lần lượt hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian từ 1giờ 30’ đến 2-3 giờ, Brashier phải mò mẫm tìm từng con ốc, O-ring chìm rải rác trong sỏi, đá đến tối mịt. Pappy quan sát diễn tiến từ văn phòng chỉ huy trên cao, ra lệnh cho Sunday chỉ kéo Bashier lên khi ông không còn cử động.
Tuy nhiên, khi sợi dây giữ Bashier rung lên, cho biết đã hoàn thành nhiệm vụ, Sunday bất tuân lệnh, mặc cho Pappy la hét ra lệnh, Sunday cho kéo Bashier lên. Bashier với khuôn mặt tái xanh, run rẩy vì lạnh do ở dưới nước quá lâu được Sunday tuyên bố, chứng nhận tốt nghiệp sau 9 giờ 31’. Bashier chính thức trở thành Người Nhái Cứu Cấp da đen đầu tiên của hải quân Mỹ, mở đường cho những người đồng chủng tộc của ông tham gia huấn luyện thành Người Nhái của hải quân Mỹ sau này.
Cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng trắng-đen của Carl Maxie Brashier trong môi trường hải quân Mỹ tưởng như đã kết thúc nhưng định mệnh bắt ông phải tiếp tục. Lần này khốc liệt hơn.
Sau khi được chính thức công nhận là Người Nhái của hải quân Mỹ, đường binh nghiệp của Bashier thăng tiến nhanh chóng nhưng rồi bị gián đoạn bất ngờ. Năm 1966, Bashier gặp tai nạn khi đang phục vụ trên một con tàu đi trục vớt một trái bom khinh khí (Hydrogen Bomb) rơi xuống biển do va chạm giữa một phi cơ B-52 và một chiếc KC-135 trong lúc tiếp tế xăng trên trời.
Trong lúc trái bom Hydrogen đang được câu từ lòng biển lên gần tới bong tàu, nhiệm vụ sắp hoàn tất thì dây cáp đứt, Brashier trông thấy, nhẩy đến, đẩy 2 người thủy thủ đang kéo bom lên qua một bên nhưng ông bị cái móc của dây kéo đập vào ống quyển trái, gần đứt hẳn. Brashier được phong tặng anh hùng về hành động này nhưng bị cắt mất phần chân dưới ống quyển trái.
Hội đồng giám định y khoa thuộc bộ Hải Quân Mỹ quyết định cho Brashier về hưu. Điều này khiến cho Brashier đau đớn tột cùng, ý tưởng phải rời khỏi Đơn Vị Người Nhái hành hạ Brashier nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần, ông bật khóc khi Jo, vợ ông vào thăm ở bệnh viện. Tuy nhiên, Brashier im lặng, mỉm cười chua xót khi phái đoàn bộ hải quân vào thăm, trao tặng huy chương anh dũng, đặt câu hỏi ông định làm gì khi rời khỏi hải quân.
Trong lúc đó, cuộc sống của Leslie W. Sunday cũng bị khủng hoảng. Hai lần bị giáng cấp, lần bất tuân thượng lệnh của Pappy, tuyên bố Bashier tốt nghiệp Người Nhái, lần thứ hai hanh hung sĩ quan cao cấp hơn trong câu lạc bộ, Sunday trở nên nghiện rượu phải vào bệnh viện để cai trong 30 ngày, điều này khiến Sunday muốn phát điên. Vào thăm chồng trong trung tâm cai rượu, Gwen Sunday cho Leslie biết nếu ông không bỏ được rượu thì sẽ đến lúc 2 người phải chia tay.
Ước muốn trở lại phục vụ trong hải quân, trở thành Master Diver của Bashier gặp một trở ngại rất lớn, khó có thể vượt qua. Captain Hanks, người bị Sunday hành hung trong câu lạc bộ của đơn vị sẽ là một trong những người quyết định chính sách kiểm soát, thẩm định thể lực phục vụ người nhái của hải quân trong bộ quốc phòng. Hơn nữa, trong cương vị bác sĩ, Jo Bashier không tin chồng đủ thể lực, đồng thời cũng không muốn chồng mình trở lại là người nhái với một chân cụt dưới đầu gối.
Tuy nhiên ước muốn của Brashier vô cùng mãnh liệt, không chịu thua định mệnh, với chân trái giả bằng plastic gắn vào đầu gối, hàng ngày ông tập luyện cho cơ thể mạnh mẽ, vững chắc bằng nhẩy dây, chạy bộ, hít đất…trong nhiều tiếng đồng hồ để có thể trở lại phục vụ hải quân như cũ. Ông yêu cầu bộ hải quân cho ông được chứng tỏ khả năng, thể lực, sức chịu đựng trước hội đồng y khoa – theo đúng quy định mới mà Captain Hanks vừa soạn thảo lại – sau 12 tuần kể từ ngày ông được trao tặng huy chương.
Hanks có máu kỳ thị như Pappy, lại thêm căm ghét Sunday, tìm đủ mọi cách để loại Bashier khỏi lực lượng người nhái nhưng Sunday, giờ là người thân thiết của Bashier tìm cách giúp đỡ ông. Sunday liên lạc với một số nhân vật có ảnh hưởng trong bộ hải quân ở Washington tạo áp lực lên Hanks, cuối cùng đạt được thỏa thuận với Hanks cho Bashier ra trước một phiên tòa giám định – Hanks là chủ tịch – chứng tỏ khả năng về thể chất, tinh thần đủ để trở lại phục vụ trong lực lượng người nhái.
Sunday đồng ý với Hanks, nếu Bashier thất bại, Sunday cũng sẽ về hưu theo Bashier.
Ngày quyết định đến, Brashier hiên ngang, oai vệ bước đi bên cạnh Sunday trong bộ quân phục đại lễ của hải quân, trình diện hội đồng gồm 5 sĩ quan cao cấp của hải quân – Hanks với tư cách chủ tịch hội đồng tìm cách ngăn trở, không cho Sunday vào dự phiên tòa giám định nhưng thất bại. Một bộ trang phục cùng với nón thở mới được chế tạo cho người nhái nặng gần 132 kg (290 lbs) được đem tới. Theo quy định mới do Hanks viết, Bashier phải đi được 12 bước một mình, không có người giúp đỡ, giữ thăng bằng cũng như phải tự một mình đứng lên trong vị thế đang ngồi trên ghế.
Sự hiện diện của Jo, con trai ông, Gwen Sunday và một số khách trong bộ hải quân khiến Brashier cảm thấy hãnh diện, sức mạnh tinh thần đã khiến ông vượt qua được những khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể. Chậm rãi, từng bước với sự khích lệ tinh thần của Sunday, Brashier đi đủ 12 bước một mình trong phiên tòa thẩm định của hội đồng. Captain Hanks đành chịu thua, tuyên bố hải quân tuyển dụng lại Brashier theo quy chế hiện dịch (Active duty).
Năm 1968, Brashier là người nhái đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ vẫn thi hành nhiệm vụ toàn phần khi bị cụt một chân. Hai năm sau, 1970 Brashier được thăng cấp, trở thành Master Diver, là người da đen đầu tiên đạt được cấp bậc vinh dự này trong hải quân Mỹ.
https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2945342985611487/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.