
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” vào hôm thứ Tư 23/3 vì cuộc tấn công dữ dội đang diễn ra ở Ukraine, nơi các bệnh viện và khoa sản đã bị đánh bom.
Nhưng tuyên bố ai đó là tội phạm chiến tranh không đơn giản như chỉ nói bằng lời. Có những định nghĩa và quy trình cụ thể để xác định ai là tội phạm chiến tranh và chúng phải bị trừng phạt như thế nào.
Dưới đây là một cái nhìn về cách mà tất cả điều này hoạt động:
1 – Tội phạm chiến tranh là ai?
Thuật ngữ này áp dụng cho bất kỳ ai vi phạm một bộ quy tắc được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua, được gọi là “luật xung đột vũ trang”. Các quy tắc này chi phối cách các quốc gia hành xử trong thời kỳ chiến tranh.
Những quy tắc đó đã được sửa đổi và mở rộng trong thế kỷ qua, được rút ra từ các công ước Geneva sau chiến tranh thế giới thứ hai và các nghị quyết được bổ túc sau đó.
Các quy tắc nhằm mục đích bảo vệ những người không tham gia chiến đấu và những người không còn có thể chiến đấu, bao gồm cả thường dân như bác sĩ và y tá, quân nhân bị thương và tù nhân chiến tranh. Các hiệp ước và nghị quyết quy định ai có thể bị nhắm làm mục tiêu và sử dụng vũ khí nào. Một số vũ khí bị cấm, bao gồm các tác nhân hóa học hoặc sinh học.
2 – Những tội phạm cụ thể nào khiến ai đó trở thành tội phạm chiến tranh?
Những “vi phạm nghiêm trọng” của các quy ước có liên quan đến tội ác chiến tranh bao gồm: cố ý giết người, phá hoại trên diện rộng và chiếm đoạt tài sản mà không được biện minh bởi sự cần thiết của quân đội. Các tội ác chiến tranh khác bao gồm cố ý nhắm vào thường dân, sử dụng vũ lực không tương xứng, sử dụng lá chắn con người và bắt giữ con tin.
Tòa án hình sự quốc tế (ICC – International Criminal Court) cũng truy tố các tội ác chống lại loài người được thực hiện trong bối cảnh “một cuộc tấn công trên diện rộng hoặc có hệ thống nhằm vào bất kỳ thường dân nào”. Chúng bao gồm giết người, tiêu diệt, cưỡng bức chuyển giao, tra tấn, hãm hiếp và nô lệ tình dục.
Cách tốt nhất mà Putin có thể bị coi là tội phạm chiến tranh là thông qua học thuyết pháp luật được công nhận rộng rãi về trách nhiệm chỉ huy. Nếu chỉ huy ra lệnh hoặc biết hoặc ở trong tình thế biết về tội ác và không làm gì để ngăn chặn chúng, họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3 – Con đường dẫn đến công lý là gì?
Nói tổng quát, có bốn con đường để điều tra và xác định tội ác chiến tranh, mặc dù mỗi con đường đều có giới hạn.
*Một là thông qua ICC.
*Lựa chọn thứ hai sẽ là nếu Liên Hiệp Quốc chuyển công việc của ủy ban điều tra sang một tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế hỗn hợp để truy tố Putin.
*Thứ ba sẽ là thành lập một tòa án để xét xử Putin bởi một nhóm các quốc gia và nhóm quan tâm hoặc có liên quan, chẳng hạn như NATO, EU và Mỹ. Các tòa án quân sự tại Nuremberg chống lại các nhà lãnh đạo Đức Quốc xã là một ví dụ.
- Cuối cùng, một số quốc gia có luật riêng để truy tố tội phạm chiến tranh. Ví dụ, Đức đang điều tra Putin. Mỹ không có luật như vậy, nhưng Bộ tư pháp có một phần tập trung vào các hành vi bao gồm diệt chủng quốc tế, tra tấn, tuyển mộ binh lính trẻ em và cắt bộ phận sinh dục nữ.
4 – Putin có thể bị đưa ra xét xử ở đâu?
Điều này không rõ ràng. Nga không công nhận quyền tài phán của ICC và sẽ không gởi bất kỳ nghi phạm nào đến trụ sở của tòa án ở The Hague, Hòa Lan. Mỹ cũng không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Putin có thể bị xét xử tại một quốc gia do Liên Hiệp Quốc lựa chọn hoặc bởi một nhóm các quốc gia liên quan. Nhưng việc đưa ông ta đến đó sẽ rất khó.
5 – Các nhà lãnh đạo quốc gia có bị truy tố trong quá khứ không?
Vâng. Từ các tòa án ở Nuremberg và Tokyo đến các phiên điều trần đặc biệt gần đây, các nhà lãnh đạo cao cấp đã bị truy tố vì các hành động của họ ở các nước bao gồm Bosnia, Campuchia và Rwanda.
Cựu lãnh đạo Nam Tư Slobodan Milošević đã bị tòa án Liên Hiệp Quốc ở The Hague đưa ra xét xử vì gây ra các cuộc xung đột đẫm máu khi Nam Tư sụp đổ vào đầu những năm 1990. Ông ta đã chết trong phòng giam của mình trước khi tòa án có thể đưa ra phán quyết. Đồng minh người Bosnia của ông, Radovan Karadžić và nhà lãnh đạo quân đội, Tướng Ratko Mladić, đã bị truy tố thành công và đang thụ án chung thân.
Cựu tổng thống Liberia Charles Taylor đã bị kết án 50 năm sau khi bị kết tội tài trợ cho những hành động tàn bạo ở nước láng giềng Sierra Leone. Nhà độc tài Hissène Habré của Chad, người đã qua đời năm ngoái, là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị tòa án châu Phi kết tội các tội ác chống lại loài người. Ông ta bị kết án chung thân.
https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/permalink/2834898833322570/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.