Đây là lỗi tại Trump

Tác giả: David Frum, từng là người viết diễn văn cho cựu TT Mỹ George W. Bush.
Dịch: K.L.
Dịch bệnh xảy ra không phải lỗi tại Trump.
Việc nước Mỹ hoàn toàn không có chuẩn bị để đương đầu với dịch bệnh là lỗi tại Trump.
Việc để máy thở tồn kho hư hỏng vì chính quyền liên bang không gia hạn hợp đồng bảo trì chúng vào năm 2018 là lỗi tại Trump.
Việc không tích trữ đầy đủ dụng cụ bảo vệ y tế cho cả nước là lỗi tại Trump.
Việc các tiểu bang đang đấu giá nhau để giành giật thiết bị, trả cao hơn giá gốc gấp nhiều lần để mua máy thở là lỗi tại Trump.
Triệu tập du khách bay về Mỹ và buộc họ đứng chen chúc hàng giờ trong sân bay cùng những người nhiễm bệnh? Cũng là lỗi tại Trump.
Khăng khăng rằng coronavirus chỉ là một loại cúm vặt sẽ tự đến rồi tự đi? Lại là lỗi tại Trump.
Thống đốc các tiểu bang đảng CH từ chối hành động sớm, không đóng cửa bờ biển Florida và vịnh Mexico? Trách nhiệm lần này thì chia đều cho nhiều người, nhưng trách nhiệm cuối cùng là của Trump: ông ta đã có thể ngăn chặn điều đó xảy ra, nhưng ông ta không làm.
Fox News và các kênh phát thanh thân hữu liên tục nói láo về coronavirus là lỗi tại Trump: họ nói vậy để bao biện cho ông ta.
Tiêm nhiễm những ảo vọng về những loại thần dược và vaccine không có thật là lỗi tại Trump, vì ông ta nói dối như vậy để che đậy sự hành động chậm trễ của mình.
Sự nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế lần này là lỗi của Trump; mọi thứ đáng lẽ đã không tệ như vậy nếu ông ta hành động nhanh hơn thay vì phái cố vấn kinh tế và con trai Eric lên TV trấn an người Mỹ là đợt chứng khoán xuống đầu tiên là cơ hội mua vào.
Sa thải một hạm trưởng Hải quân vì đã nói sự thật về mối đe doạ từ virus đến thuỷ thủ đoàn của ông ta? Lỗi tại Trump.
Quá nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền bị bỏ trống hay do những kẻ bất tài đảm nhiệm? Lỗi tại Trump.
Đưa người con rể kiêu căng, bất tài lên làm tổng chỉ huy chuỗi cung ứng thiết bị y tế toàn quốc? Lỗi tại Trump.
Nước Mỹ – được ngăn cách khỏi ổ dịch tại TQ bởi Thái Bình Dương; sở hữu những công nghệ y khoa tân tiến nhất thế giới; được hỗ trợ bởi những cơ quan và nhân sự chuyên đối phó với dịch bệnh – đã có thể và đáng lẽ ra phải chịu ít thiệt hai hơn những nước láng giềng với TQ. Nhưng giờ đây nước Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào.
Hình ảnh những túi đựng xác người chết vì coronavirus chất đầy xe tải và hành lang bệnh viện tại NYC, Mỹ.
Hình ảnh những túi đựng xác người chết vì coronavirus chất đầy xe tải và hành lang bệnh viện tại NYC, Mỹ.
Sai lầm của Trump là, trong những tuần lễ đầu dịch khi còn có thể phòng bị, Trump lại kết hợp sự thu động với sự hoang tưởng. Ông ta đã đặt cược vào 2 canh bạc lớn: cấm nhập cảnh sẽ ngăn chặn coronavirus xâm nhập vào Mỹ, và nếu virus xâm nhập được vào Mỹ thì nó sẽ tự biến mất khi thời tiết ấm lên. 2 điều trên dẫn đến kết luận của Trump rằng không cần phải làm gì nhiều trong thời điểm đó.
Trump và những người ủng hộ ông ta giờ đây lại nói rằng ông ta bị phân tâm vì cuộc luận tội nên không thể đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Cho dù đúng như vậy đi nữa, nói rằng bào chữa cho hành vi sai trái của mình trong quá khứ dẫn đến thất bại thảm hại ở hiện tại là một cái cớ tồi.
Nhưng nếu nói Trump và nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông ta bị phân tâm, thì cuộc luận tội không phải là lý do duy nhất, hay thậm chí là lý do chính. Khoảng thời gian virus bắt đầu lây lan nhanh ở Hồ Bắc cũng là khoảng thời gian nước Mỹ đứng trên bờ vực chiến tranh với Iran. Căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang suốt mùa thu năm 2019 và lên đỉnh điểm vào đầu tháng 1 năm nay. Đó có thể là lý do tại sao Trump ít để ý đến con virus này như vậy, bất chấp nhiều cảnh báo.
Ngay cả sau khi ca nhiễm coronavirus đầu tiên ở Washington được phát hiện vào ngày 22/1, thì chỉ 2 ngày sau đó Trump vẫn tweet khen ngợi “nỗ lực và sự minh bạch” của Tập Cận Bình và chính quyền TQ. Cùng ngày, Trump tiếp tục khẳng định mọi việc “vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát”.
Sau đó Trump lại nói ông ta đã bị TQ lừa gạt. Nhưng chính quyền Trump đã cắt giảm nhân sự y tế công cộng hoạt động tại TQ từ 47 người xuống còn có 14 người vào năm 2019, khiến Mỹ phải lệ thuộc vào WHO hơn trước. Tháng 7 năm 2019, chính quyền Trump cắt trợ cấp cho chuyên gia dịch tễ học làm việc bên trong cơ quan dịch tễ của TQ, một lần nữa lại cắt đứt mạch thông tin từ TQ về Mỹ. Bởi vậy, nếu Trump thật sự tin TQ để bị lừa gạt thì đó cũng là lỗi tại ông ta.
Mãi tới ngày 31/1, chính quyền Trump cuối cùng mới ra lệnh phong toả mọi chuyến bay đến và đi khỏi TQ của công dân nước ngoài bắt đầu từ ngày 2/2. Nhưng cùng ngày, nước Ý huỷ bỏ toàn bộ mọi chuyến bay đến và đi khỏi TQ, có hiệu lực ngay lập tức. Úc chặn người nước ngoài từ TQ đến Úc bắt đầu ngày 1/2, trước cả Trump.
Lệnh cấm của Trump cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn virus lây lan. Lệnh cấm này chỉ áp dụng với công dân nước ngoài đã có mặt tại TQ trong 14 ngày trước đó, và bao gồm 11 ngoại lệ. Ngay cả sau khi lệnh cấm được ban hành, đã có gần 40,000 hành khách nhập cảnh nước Mỹ từ TQ mà không bị kiểm tra nghiêm ngặt, theo bản tin của báo The New York Times.
Ngày 5/2, người phụ trách chống dịch Ebola thời Obama là Ron Klain chỉ trích lệnh cấm của Trump như miếng băng keo cá nhân dán vào vết nứt trên tường. Cùng ngày, Trump được Thượng viện tha bổng, và cuộc luận tội kết thúc.
Ưu tiên của Trump trong suốt tháng 2 là trả thù những người đã tố cáo ông ta trong cuộc luận tội. Trung tá Alexander Vindman bị điều khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia. Bà Jessie Liu bị rút đề cử vị trí phụ trách vấn đề khủng bố và tội phạm tài chính của Bộ Tài chính sau khi bà này đóng vai trò trong vụ xử tội đồng minh của Trump, Roger Stone. Trump cũng rút đề cử bà Elaine McCusker vào vị trí kiểm soát viên Lầu Năm Góc sau khi bà này lên tiếng quan ngại về sự bất chính của việc cắt viện trợ cho Ukraine. Mới đây nhất, Trump sa thải Tổng thanh tra của cộng đồng tình báo Michael Atkinson, sau khi ông ta chuyển khiếu nại của người tuýt còi vụ Ukraine lên Uỷ ban Tình báo Lưỡng viện, như luật pháp đòi hỏi.
Brett Cozier, thuyền trưởng tàu hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt vừa bị chính quyền Trump sa thải và được xét nghiệm dương tính với coronavirus.
Brett Cozier, thuyền trưởng tàu hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt vừa bị chính quyền Trump sa thải và được xét nghiệm dương tính với coronavirus.

 

Dù vô tình hay cố ý, chiến dịch trả thù những kẻ địch tưởng tượng của Trump là một lời cảnh cáo đến những viên chức y tế công: Ngậm miệng lại. Nếu ai còn chưa rõ thì vụ sa thải thuyền trưởng tàu hàng không mẫu hạm Brett Cozier vì đã nói thật về những hiểm nguy mà thuỷ thủ của ông ta phải đương đầu là vết xe đổ. Không phải tự nhiên mà người chỉ huy y tế công cộng (surgeon general) của Mỹ e ngại phải trả lời những câu hỏi căn bản nhất, hay phó Đô Đốc John Polowczyk nói chuyện như một con robot bị lỗi ở những cuộc họp báo.
Những lời dối trá của tổng thống không thể bị mâu thuẫn. Và bởi vì những lời dối trá của tổng thống thay đổi liên tục, tránh khỏi mâu thuẫn với tổng thống là chuyện bất khả thi.
Trong suốt cuộc khủng hoảng này, ưu tiên hàng đầu của tổng thống, và của tất cả những người dưới trướng, là bảo vệ cái tôi của ông ta. Đáng buồn thay, người Mỹ đã chai sạn trước những lời tự khen lố lăng và sự thèm khát được nịnh bợ không có giới hạn của Trump. Sự méo mó tâm lý này của Trump đã biến dạng thành một điểm yếu chiến lược chết người của nước Mỹ trong dịch bệnh này.
Qua tháng 3, khi thị trường tài chính đi xuống và sụp đổ, trường học, thành phố và cả các tiểu bang nối tiếp nhau đóng cửa, ngài tổng thống trong cơn hoảng loạn phản ứng bằng cách duy nhất mà ông ta biết khi gặp rắc rối: đổ trách nhiệm cho người khác.
Thiếu dụng cụ xét nghiệm? Trump đổ thừa cho CDC và chính quyền Obama.
Giải tán đội phòng chống dịch bệnh thuộc Uỷ ban An ninh Quốc gia? “Tôi không làm chuyện đó… tôi không biết gì về chuyện đó. Mấy người nói chúng tôi làm. Tôi không biết gì về chuyện đó.”
Khan hiếm máy thở và thiết bị y tế dẫn tới các tiểu bang mua sắm trong cơn hoảng loạn? Trump đổ thừa trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ y tế cho các thống đốc và chỉ trích các ông này đã không chuẩn bị kho dự trữ riêng cho từng bang.
Phản ứng chậm trễ cho đến khi đã quá muộn? Lỗi của chính quyền TQ đã che giấu thông tin.
Không giữ lời hứa sản xuất đủ máy thở? Lỗi của General Motors, đứng đầu bởi một người phụ nữ mà Trump thậm chí còn không thèm gọi đầy đủ tên bà ta mà chỉ gọi là “Mary B”.
Thiếu khẩu trang, găng tay, mũ trùm đầu? Trung đổ cho nhân viên bệnh viện ăn cắp những thứ đó tuồn ra chợ đen.
Kho dự trữ thiết bị y tế khẩn cấp cạn kiệt? Đội ngũ của Trump không hiểu bằng cách nào đổ thừa chuyện đó cho sai lầm của Joe Biden từ năm 2019.
Trong khi dân New York đang vật lộn với bệnh tật và mất mạng, Trump biên thư đổ lỗi một cách ti tiện cho thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân Chủ vì đã luận tội ông ta.
Bản năng né tránh vấn đề và đổ lỗi cho người khác của Trump dẫn đến những hậu quả khủng khiếp cho người Mỹ. Tất cả những thống đốc, thị trưởng đang cần sự giúp đỡ của chính quyền liên bang, tất cả những cố vấn khoa học và y tế đang cố gắng can gián Trump khỏi làm chuyện điên rồ hay ngu xuẩn, đều phải vật lộn với một vấn đề to tướng là nhu cầu tâm thần của Trump. Người phụ trách điều phối chiến dịch chống coronavirus của Nhà Trắng, bà Deborah Birx, phải lên TV để nịnh bợ Trump một cách trơ trẽn; trong khi đó chính quyền Trump đang bị nghi vấn thiên vị viện trợ cho những tiểu bang ủng hộ Trump.
Ở trong nước, Trump bỏ mặc các tiểu bang đấu giá, tranh giành nhu yếu phẩm y tế với nhau như thể chính quyền liên bang không hề tồn tại; trên bình diện quốc tế, Trump hy sinh các đồng minh của nước Mỹ trong cơn hoảng loạn để cứu vãn sự thất bại của chinh mình. Quan chức Đức và Pháp đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Trump lấy hàng mà họ đã đặt mang về Mỹ, và tuần rồi hãng sản xuất dụng cụ y tế 3M phải công khai phản đối chính quyền Trump tìm cách chặn xuất khẩu y tế sang Canada. Trên khắp thế giới, các đồng minh của Mỹ đang nhận ra rằng, trong thời khắc quan trọng và khẩn cấp nhất, nước Mỹ đã hoàn toàn thất bại trong vai trò lãnh đạo. Chủ nghĩa quốc gia vị kỷ của Trump đang lây lan nhanh không kém gì coronavirus, và có thể cũng nguy hiểm tương tự.
"Tôi không hề chịu trách nhiệm gì cả" - Donald Trump.
“Tôi không hề chịu trách nhiệm gì cả” – Donald Trump.

 

Trump luôn miệng nói rằng “Nước Mỹ trên hết”, nhưng hành động của ông ta không bao giờ đi đôi với lời nói. Lúc nào cũng là “Trump trên hết”. Việc kinh doanh của ông ta trên hết. Những lời bào chữa của ông ta trên hết. Sự hời hợt tầm thường của ông ta trên hết.
Trump đã nhận được hàng triệu đô từ Bộ Tài chính. Ông ta đã nhận được hàng triệu đô từ các doanh nghiệp Mỹ và ngoại bang. Ông ta đã nhận được hàng triệu đô từ đảng Cộng hoà và uỷ ban nhậm chức của chính mình. Ông ta đã nhận được quá nhiều thứ không thuộc về ông ta, một cách vô đạo đức và thậm chí trái pháp luật. Nhưng nhận trách nhiệm? Không, không bao giờ.
3 năm trời qua Trump đã nói láo, bốc phét, ngang ngược trong một chức vụ mà ông ta hoàn toàn không đủ năng lực đảm nhiệm. Nhưng chẳng sớm thì muộn, vị tổng thống nào cũng phải đối mặt với một thử thách tối hậu, một thử thách không ai có thể né tránh bằng cách nói láo, bốc phét hay ngang ngược. Và Trump đã thảm bại trước thử thách đó.
Trump đã thất bại. Trump đang thất bại. Trump sẽ tiếp tục thất bại. Và người dân Mỹ đang trả giá cho những thất bại của ông ta.
Nguồn: https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2020/04/americans-are-paying-the-price-for-trumps-failures/609532/

Be the first to comment

Leave a Reply