NƯỚC MỸ CẦN THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO

Thắng Đỗ

Nạn dịch coronavirus, sau khi hoành hành ở Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, Iran và Ý, hiện giờ đã sang đến Mỹ. Số người ở Mỹ bị nhiễm vẫn còn tương đối thấp, nhưng đây không phải là con số chúng ta có thể tin cậy được. Với rất ít dụng cụ thử nghiệm coronavirus, Mỹ vẫn chưa đủ khả năng thẩm định ai đã nhiễm bệnh, và dựa theo kinh nghiệm của những quốc gia đã bị nạn dịch rồi, con số này chắc hẳn cao hơn nhiều. Điều đáng sợ là người ta có thể bị nhiễm lâu đến 14 ngày mà không có triệu chứng gì. Có nghĩa là nhiều người trong chúng ta có thể đã bị nhiễm vi-rút mà chính họ và người thân không biết.

Vài tiểu bang và địa phương đã đưa ra dự đoán con số nhiểm bệnh ở vùng mình. Ở Ohio, giới thẩm quyền ước lượng sẽ có 100.000 người bị nhiễm, tương đương với khoảng 1 phần trăm dân số. Ohio không phải là trường hợp ngoại lệ, và con số này chắc cao hơn nhiều ở các tiểu bang đông dân và có nhiều tiếp xúc với các khu vực trên thế giới như California. Riêng ở California, chính phủ tiểu bang và địa phương đã có những biện pháp quyết liệt để giảm bớt tốc độ bành trướng của dịch, tuy có lẽ vẫn chưa đủ. Các buổi họp nhiều người đã bị cấm, các hội hè đã bị hủy, trường học hầu hết sẽ đóng cửa vào tuần sau. Thống Đốc Gavin Newsome đã ký sắc lệnh cho phép chính phủ có quyền trưng dụng các khách sạn làm chỗ cách ly người mang bệnh. Nhưng cũng như khắp nơi trên nước Mỹ, họ gặp phải một trở ngại lớn: số lượng dụng cụ thử nghiệm vi-rút quá ít ỏi; muốn thử xem ai bị nhiễm cũng không đủ phương tiện!

Tương phản với sự quyết liệt ở địa phương, chính phủ Liên Bang cho đến hôm qua tỏ ra thờ ơ và vô trách nhiệm ở mức tối đa. Donald Trump, người lãnh đạo tối cao, trong nhiều ngày đã công khai tuyên bố đây chẳng phải là nạn dịch gì đáng sợ. Trump chứng tỏ sự kém hiểu biết một cách kinh ngạc khi thứ hai vừa qua, ‘tuýt’ rằng dịch này cũng chỉ như cúm, không việc gì phải lo. Hai ngày sau đó, Bác Sĩ Anthony Fauci, Giám Đốc của NIH, Viện Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Quốc Gia, phát biểu ngược lại trước Quốc Hội, rằng coronavirus nguy hiểm hơn cúm khoảng 10 lần. Trump tuyên bố nước Mỹ có điều kiện chống dịch tốt nhất thế giới, trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại: Ở cấp quốc gia, Mỹ hầu như không có một sự chuẩn bị nào, và một trong những lý do chính là Trump đã sa thải rất nhiều các bộ phận và chuyên gia trong chính phủ có trách nhiệm về việc này.

Thứ năm qua, khi nhà báo đặt câu hỏi là tại sao Trump đã sa thải toàn bộ Văn Phòng Đối Phó Với Đại Dịch (Pandemic Response Office) của Nhà Trắng vào năm 2018, Trump lúng túng, rồi chối: “tôi có làm thế đâu; ở đây có nhiều người, có thể người khác đuổi, để tôi hỏi lại nội các của tôi”. Nhiệm vụ của văn phòng này là theo dõi các biến chuyển y tế và vũ khí sinh học trên thế giới để thiết lập phương pháp phòng ngừa. Từ khi Trump đuổi Phó Đô Đốc Timothy Ziemer, người đứng đầu cơ quan ra khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, không còn ai trong Nhà Trắng chịu trách nhiệm về vấn đề này nữa.

Cho đến hôm qua, quan tâm chính của Trump là sự lên xuống của thị trường chứng khoán và khả năng thắng cử tháng mười một này. Trump hầu như không để ý đến tính mạng của người dân hay vấn đề sức khỏe. Nếu có đề cập đến việc chính, Trump chỉ nhắm vào đổ lỗi cho người khác: Obama và Đảng Dân Chủ (Trump cho rằng vi-rút là âm mưu của phe Dân Chủ muốn làm hại mình).

Tệ hơn thế, Trump đã cố tình giới hạn khả năng và phương tiện thử nghiệm vi-rút của chính phủ. Lý do: Trump quan ngại rằng con số người nhiễm bệnh cao sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2020, và cá nhân Trump sẽ bị thiệt hại. Khi cơ quan WHO (Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới) đề nghị gửi các dụng cụ thử nghiệm sang Mỹ cũng như các quốc gia khác, chính phủ Trump từ chối, viện cớ Mỹ có khả năng sản xuất phương tiện tốt hơn. Nhưng nỗ lực sản xuất các dụng cụ này của cơ quan CDC (Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch) gặp rất nhiều trục trặc và cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Phó Tổng Thống Mike Pence, người được chỉ định đứng đầu nỗ lực chống dịch toàn quốc, hôm thứ tư tuyên bố sẽ có 1 triệu rưỡi bộ phận thử nghiệm nội trong tuần nay. Tuy nhiên, cho đến đầu tuần vừa qua, toàn nước Mỹ chỉ mới thử nghiệm chưa đến 2.000 người. Con số tương đương ở Trung Quốc và Hàn Quốc là hàng trăm ngàn. Riêng tại Hàn Quốc, chỉ trong 1 tuần sau khi dịch được phát hiện, gần 70 ngàn người được thử nghiệm, với tốc độ 10 ngàn người mỗi ngày. Chính quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc đã nhờ vào phương tiện thử nghiệm của quốc gia sở tại mà kềm chế sức bành trướng của dịch trong các căn cứ quân sư. Những quốc gia Châu Âu, tuy chậm hơn, nhưng vẫn phản ứng tốt hơn Mỹ nhiều lần. Anh đã thử nghiệm trên 20 ngàn người. Trớ trêu hơn nữa là tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, đã tự nguyện tặng 500 ngàn dụng cụ thử nghiệm do sự thiếu hụt trầm trọng của Mỹ.

Nạn dịch này phơi bày sự yếu kém của hệ thống y tế Mỹ. Tất cả các nước mở mang ngoại trừ Mỹ đều có hệ thống bảo hiểm toàn quốc; mọi người có thể trông cậy vào dịch vụ y tế căn bản. Nhưng ở Mỹ, khoảng 40 đến 45 triệu ngưởi Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe. Họ hầu hết có thu nhập thấp và thiếu phương tiện làm việc ở nhà hay khả năng tự cách ly để tránh nhiễm bệnh. Họ cũng không đủ tiền để đi khám bác sĩ, hoặc thử nghiệm, cho đến khi đã quá trễ và phải vào phòng cấp cứu. Đây là những trái bom nổ chậm tuy hoàn toàn không do lỗi của họ.
Với những người theo Trump, sự ủng hộ của họ cho đến nay dựa trên niềm tin và hy vọng hoang tưởng hơn là sự thật. Họ đã bất chấp những dấu hiệu của sự dối trá, lửa lọc và kém khả năng của Donald Trump và những nhân vật xung quanh Trump, Thậm chí, họ bất chấp luôn những hiểm nguy cho nước Mỹ và toàn thế giới mà Trump đã tạo ra, chẳng hạn như khiêu khích Bắc Hàn và đe dọa một cuộc chiến tranh nguyên tử hay ám sát nhân vật cao cấp của Iran và đẩy hai quốc gia đến bờ một cuộc chiến Trung Đông mới. Những sự kiện đó may thay đã không đưa đến hậu quả xấu, do sự kềm chế của guồng máy chính trị Mỹ cũng như của các quốc gia liên hệ.

Trong nạn dịch này, yếu kém của Donald Trump đã lộ rất rõ. Đây là một con người hoàn toàn không có kinh nghiệm hoặc khả năng lãnh đạo; không có lương tâm và chỉ nghĩ đến quyền, tiền và tư lợi; và không thành thật, với thói quen dối trá và lừa lọc.

Chúng ta cần thay đổi lãnh đạo của nước Mỹ tháng 11 năm nay. Nước Mỹ cần một người lãnh đạo có tầm vóc và danh dự, nhất là khi phải đối diện với những quốc nạn như hiện nay.

Thắng Đỗ, thành viên Hội Đồng Quản Trị của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, viết bài này từ San Jose, California.

Be the first to comment

Leave a Reply